Lắp đặt hộp đen giám sát hành trình: Nhà xe đối phó, hiệu quả tù mù

Gần 50.000 xe ô tô vận tải hành khách đã phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS hộp đen) theo quy định. Từ 1-7-2015, tất cả xe taxi, xe đầu kéo sơ mi rơ moóc cũng sẽ phải lắp đặt thiết bị GPS. Hộp đen liệu có phải là “cây đũa thần”, mang lại hiệu quả quản lý như kỳ vọng hay chỉ tạo thêm áp lực tiền bạc, tinh thần cho doanh nghiệp vận tải? 

Cần sự hậu kiểm, đánh giá về tác dụng và hạn chế của hộp đen

Hộp đen không phải đũa thần

Theo quy định, từ ngày 1-7-2013, tất cả xe khách kinh doanh tuyến cố định liên tỉnh không lắp đặt thiết bị GPS sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt. Bên cạnh đó, Nghị định 171/ND-CP cũng nêu rõ quy định xử phạt vi phạm qua thiết bị hộp đen. Thông tin từ hộp đen của xe được sử dụng trong quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và cung cấp cho cơ quan chức năng khác khi có yêu cầu. Theo lộ trình, trước ngày 1-7-2015, xe taxi, xe đầu kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải sẽ phải lắp đặt hộp đen. Trước ngày 1-1-2016, quy định tương tự được áp dụng đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên; trước ngày 1-7-2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn…
Sau gần 2 năm kể từ khi 50.000 xe ô tô khách phải lắp đặt thiết bị GPS, đến nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn chưa có một đánh giá nào về hiệu quả cũng như vướng mắc trong quản lý dữ liệu từ thiết bị. Trong khi đó, điều tiếng về việc buộc doanh nghiệp lắp đặt hộp đen không phải ít, từ hộp đen “rởm” đến việc thông tin không thể trích xuất, trục trặc kỹ thuật, độ tin cậy của dữ liệu… Nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương đã thẳng thắn bày tỏ, hộp đen không thể coi là “cây đũa thần” để cơ quan quản lý Nhà nước sử dụng.
Ngay từ khi Bộ GTVT chưa có quy định bắt buộc, một số doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính đã tự lắp hộp đen để quản lý tài sản, lái xe. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lắp đặt chỉ để đối phó cơ quan chức năng, việc hậu kiểm, quản lý từ phía cơ quan Nhà nước chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Bằng chứng là khi xảy ra hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe khách, cơ quan chức năng mới phát hiện, xe chạy sai luồng, tuyến nhưng đơn vị quản lý không hề hay biết. Điển hình là vụ TNGT thảm khốc xảy ra ở Bát Xát, Lào Cai vào đầu tháng 9-2014 làm 14 người chết, 35 người bị thương. Chiếc xe khách của nhà xe Sao Việt chỉ được cấp phép chạy Mỹ Đình - TP Lào Cai nhưng đã chở khách lên thẳng Sa Pa. Chiếc xe này có lắp đặt thiết bị GPS, nhưng chỉ khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, cơ quan quản lý mới biết xe đã chạy sai lộ trình!

Cần hậu kiểm, đánh giá

Nêu ra một số hạn chế của thiết bị GPS, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Điện Biên đề nghị phải nâng cao chất lượng của thiết bị GPS cũng như chất lượng, độ tin cậy của dữ liệu thay vì quản lý kiểu khiên cưỡng như hiện nay. Tại cuộc họp gần đây của Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng cho rằng, cần xem xét lại việc quản lý Nhà nước qua thiết bị GPS. Vì sau 1 tháng, lái xe vi phạm mới nhận được thông báo và chế tài xử phạt thì hiệu quả không cao, thậm chí nảy sinh phản ứng.
Hiện nay, tất cả dữ liệu của gần 50.000 xe khách hàng ngày được truyền về trung tâm thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Mỗi tháng 1 lần, Tổng cục Đường bộ sẽ gửi kết quả đến các Sở GTVT, căn cứ vào đó, Sở GTVT sẽ nhắc nhở và xử phạt doanh nghiệp, lái xe vi phạm. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ, việc lắp đặt thiết bị GPS là cần thiết và mang lại hiệu quả đối với các doanh nghiệp lớn. Thế nhưng, với quy mô kinh doanh vận tải chủ yếu còn manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay thì “liệu pháp” hộp đen phần nhiều vẫn mang tính đối phó. “Việc lắp đặt hộp đen vừa qua chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Cơ quan chức năng cũng chưa có sự đánh giá, thẩm định về độ chính xác của dữ liệu truyền về. Có chăng việc cố chạy theo thành tích vì đã trót đầu tư hệ thống đường truyền, trung tâm dữ liệu?”, ông Nguyễn Văn Thanh đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, tới đây số lượng phương tiện nằm trong diện phải lắp đặt hộp đen trên địa bàn Hà Nội là rất lớn. “Việc bắt buộc các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng xe ô tô phải lắp đặt thiết bị GPS là cần thiết. Tuy nhiên, do hạ tầng thông tin chưa tốt nên phải vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, dù đã có chế tài xử phạt hành vi vi phạm an toàn giao thông qua GPS nhưng chưa chặt chẽ nên chưa có tính răn đe đối với người vi phạm”, ông Nguyễn Hoàng Linh nói.
Tới đây, con số xe ô tô phải lắp đặt thiết bị GPS sẽ tăng lên hàng vạn chiếc, tạo ra áp lực đầu tư không nhỏ lên các doanh nghiệp vận tải. Trung bình, lắp đặt 1 thiết bị GPS tốn từ 3-5 triệu đồng, chưa kể chi phí cho bộ máy giám sát và duy trì hoạt động của thiết bị… Trong khi đó, theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: “Rõ ràng, công tác quản lý Nhà nước dựa vào GPS không hiệu quả. Thiết bị GPS chỉ có tác dụng giúp doanh nghiệp tự quản lý phương tiện, lái xe của mình”.

Ngắt thiết bị GPS khi xe đang chạy là chuyện cơm bữa

“Qua một thời gian lắp đặt thiết bị GPS, đã bộc lộ rất nhiều bất cập, thông tin thiếu chính xác, thiết bị trục trặc, độ tin cậy chưa cao… Nhiều doanh nghiệp biết vậy nhưng không dám phản ánh. Chuyện ngắt thiết bị GPS khi xe đang lưu thông diễn ra như cơm bữa nên thực chất hộp đen chưa phát huy hiệu quả”.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Điện Biên.

 

Theo Vietbao/Anninhthudo


Lượt xem:
mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter