Báo động đỏ tình trạng rút ruột container hàng xuất khẩu

Từ chuyện mất hàng, thiếu hàng khi giao cho đối tác đã nảy sinh ra nhiều tranh chấp thương mại khác. Và hậu quả là, không chỉ bị thiệt hại về kinh tế, các doanh nghiệp còn bị mất uy tín với bạn hàng…

 

Hy hữu tìm được  mô tô nhờ gắn định vị GPS

Hàng xuất khẩu bị rút ruột khiến DN mất hàng, mất cả uy tín

 

Mất hàng, mất cả uy tín

Tại CTCP Giày Đông Anh liên doanh với Đài Loan có trụ sở tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội vừa xảy ra hàng loạt vụ mất trộm tài sản là hàng hóa có giá trị lớn. Điều quái lạ là trong các container giày được xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới của đơn vị này, khi đối tác mở ra kiểm tra thì thiếu hụt hàng trăm sản phẩm, nhưng niêm phong kẹp chì vẫn nguyên vẹn. Thẩm định các khâu đóng gói, giao hàng, kiểm đếm trước khi xuất xưởng và đóng container đều không phát hiện ra sai sót, nhầm lẫn. Thậm chí, Công ty đã cử cả cán bộ đi kiểm tra, giám sát trên cả quãng đường vận chuyển hàng cũng không phát hiện ra điều gì khác thường. Sau đó, vụ án được khám phá là do đã có sự thông đồng của cán bộ áp tải hàng với đội ngũ lái xe để “thổi” nhiều lô hàng hóa giá trị hàng trăm triệu đồng…

Theo nhận định của Đội phòng chống trộm cắp và lừa đảo thuộc Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP. HCM), thời gian gần đây, tội phạm trộm cắp tài sẳn trong container đang rộ lên. Nạn trộm cắp này không chỉ gây thiệt hại cho các đơn vị xuất nhập khẩu mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, tính đến nay đã có trên 20 doanh nghiệp ngành này báo cáo bị mất hàng xuất khẩu với số lượng hàng bị mất tương đương 136 tấn, trị giá trên 2 triệu USD. “Mất hàng trong container không chỉ gây tổn thất lớn (phải đền bù thiệt hại cho lô hàng trong trường hợp mất hàng được chứng minh là mất tại Việt Nam), mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp khi khách hàng mất lòng tin và nghi ngờ chính bản thân doanh nghiệp xuất khẩu cũng như cơ quan giám định Việt Nam (khách nghi thông đồng để ăn cắp hàng)”, đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam bức xúc.

Ràng buộc pháp lý chưa rõ ràng

Theo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), những năm gần đây, yêu cầu giải quyết tranh chấp qua con đường trọng tài không ngừng gia tăng. Năm 2010, VIAC đã thụ lý 63 vụ, năm 2011 là 83 vụ, 9 tháng năm 2012 là 35 vụ đã xử lý. Trong các vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài, loại tranh chấp về xuất nhập khẩu chiếm tỷ lệ 70%.

Luật sư Võ Nhật Thăng, Trọng tài viên VIAC cho rằng, một thực trạng đáng báo động là hầu hết các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam cho đối tác nước ngoài đều không có điều khoản quy định thời điểm sở hữu hàng hóa chuyển từ người bán sang người mua. Việc quy định không rõ ràng khiến khi có tranh chấp hoặc xảy ra tình trạng người mua khó khăn về tài chính hay vỡ nợ thì vấn đề sẽ trở nên rắc rối và không ít trường hợp người bán bị trắng tay.

Trong thực tiễn mua bán hàng hóa quốc tế, vấn đề chuyển quyền sở hữu hàng hóa là hết sức phức tạp và nhạy cảm. Nó liên quan rất nhiều tới trách nhiệm xử lý rủi ro về hư hỏng, mất mát hàng hóa, về quyền được bảo đảm thanh toán tiền bán hàng cũng như về quyền khởi kiện với người vận tải, hoặc quyền về định đoạt hàng hóa của bên bán khi bên mua lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính. Vấn đề này chủ yếu chỉ được quy định trong các điều luật quốc gia, chứ ít khi được đề cập trong luật quốc tế.

Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, để chủ động phòng tránh rủi ro, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi ký hợp đồng cần đàm phán và quy định rõ các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu. Không ghi chung chung là “bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu bằng container”…, mà cần quy định rõ ràng là bảo hiểm hàng hóa chứa trong container xuất khẩu, loại hàng, số lượng quy định nếu hàng hóa bị mất mát trong quá trình vận chuyển. Đối với hợp đồng vận chuyển hàng hóa trong container từ nhà máy đến cảng, cần quy định rõ ràng trách nhiệm của bên vận chuyển để có cơ sở khởi kiện và đòi bồi thường trong trường hợp bị mất hàng trong container trong quá trình vận chuyển…

Theo Tinnhanhchungkhoan

 

 


Lượt xem:
mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter