Nạn ăn cắp xăng dầu (Kỳ 2): Ngàn lẻ một thủ đoạn

Ngày nay, nhất là từ thời điểm đất nước mở cửa, lượng phương tiện gia thông động cơ đốt trong dùng nhiên liệu xăng, dầu tăng mạnh, các hành vi gian lận, ăn cắp xăng dầu càng có đất “dụng võ”, biến tướng khôn lường.

Vi phạm tràn lan, thì hậu quả để lại có “nổi”, có “chìm”, vừa nổi vừa chìm cũng có. Bề nổi thì cháy, hỏng hóc động cơ, làm người điều khiển phương tiện gặp tai nạn, thương vong khi phương tiện chạy nhiên liệu pha tạp chất… Bề chìm thì chắc phải kể nhiều ngày, nhiều tháng.

Ứng dụng công nghệ “tài” hơn Mỹ

Tình trạng gian lận, ăn cắp xăng dầu đã xảy ra từ lâu, ở khắp mọi nơi, từ đô thị tới nông thôn, năm nào cũng có những cây xăng vi phạm bị phanh phui, phát hiện. Nhưng một trong những vụ nổi cộm nhất mới xảy ra là việc hàng chục cây xăng ở Nghệ An bị phát hiện dùng chip điện tử giả để bớt xén lượng xăng bán ra, tỉ lệ bới xén quá… “táo bạo”: 4-11%.

Cụ thể, chiều 17/11/2014, PC46, PA71 Nghệ An phối hợp với và Sở KH&CN tỉnh tổ chức kiệm tra và bắt quả tang hàng chục trạm kinh doanh xăng dầu ở Yên Thành, Diễn Châu sử dụng chíp điện tử giả với sai số cột bơm cao nhất lên tới +10%.

Như chúng ta đã biết, chip vi xử lý là trái tim của mọi thiết bị điện tử, từ smartphone, tablet tới tivi, máy giặt, là hạt nhân của “thế giới phẳng” hôm nay… Tại Việt Nam, thanh niên Trần Lê Đức (35 tuổi, ngụ quận Tây Hồ, Hà Nội) lại không ứng dụng chip điện tử vào mục đích tốt đẹp như người Mỹ, Nhật, Ấn Độ… đã làm được, mà phục vụ hành vi ăn cắp.

 

 

Khi bị tạm giam, Đức cho biết anh ta có 3 năm theo học ngành công nghệ. Năm 2008, sau thời gian tìm hiểu, nam thanh niên bắt tay sản xuất chip điện tử IC giả. Sau khi mua những chiếc IC thật, Đức thuê người giỏi công nghệ lập chương trình giả rồi cài vào các IC có sẵn để cho chạy song song hai chương trình thật – giả. Mỗi IC này được quy định một mật mã riêng theo từng kí hiệu trên bảng điện tử sẵn có ở các cây xăng.

Nếu cửa hàng nào muốn lắp đặt, thợ sẽ mở bàn phím ở cột xăng thay thế IC thật bằng IC giả. Khi muốn ăn bớt sản phẩm của khách hàng, nhân viên bơm xăng chỉ cần một thao tác rất đơn giản trên bảng điện tử là có thể bớt được từ 4-11,6% (100 lít bớt được 4-11,6 lít ) trong tổng số xăng cần bơm. Khách hàng nếu quan sát bằng mắt thường thì rất khó để phát hiện vì trên màn hình cột xăng vẫn thể hiện các chỉ số đơn giá, số lượng xăng dầu bơm ra.

Trong trường hợp nếu bị khách phát hiện thì chỉ cần bấm một số ngầm định sẵn nào đó hoặc ngắt nguồn điện cung cấp cho cột bơm rồi bật lại thì bảng điện tử lại chạy… bình thường.

 

 

  IC giả (vòng tròn đỏ) được lắp đặt vào bảng điện tử nơi cột xăng thay thế cho IC thật để ăn bớt sản phẩm của khách hàng.

Theo các cơ quan chức năng, không chỉ ở Nghệ An, chip giả cũng đã có mặt ở nhiều tỉnh khác, không chỉ mới đây mà tồn tại nhiều năm qua, “móc túi” một lượng lớn xăng dầu của người dùng.

Những thủ đoạn đã được phát hiện

Quay lại hiện tượng dùng chip giả. Chỉ cần 3-5 triệu đồng, các chủ cây xăng hám lợi có thể lắp đặt chip giả, hướng dẫn nhanh gọn cho nhân viên và thu lợi bất chính hàng trăm, hàng ngàn lít xăng dầu mỗi ngày. Nhưng người tiêu dùng có phải chỉ bị ăn cắp bởi con chip vô tri kia?

Hãy cùng www.magiwan.com điểm lại một vài thủ đoạn ăn cắp xăng dầu được người dùng phổ biến rộng rãi.

1. Khuếch đại điện áp để thay đổi chỉ số

Cũng giống như mô-tơ nước, hệ thống bơm xăng cũng có một thiết bị đo gắn trên đường ống gọi là cảm biến. Bộ điều khiển chuyển tín hiệu từ cảm biến tới bo mạch bằng điện áp, dòng điện hoặc số xung. Sau đó, bộ vi xử lý sẽ hiển thị thông số trên màn hình. Thông qua màn hình, người tiêu dùng có thế biết khối lượng xăng đã bơm và giá tiền. Để gian lận tiền của khách hàng, các cây xăng sẽ lắp thêm một thiết bị ngay trên đường chuyển điện áp về bo mạch. Thiết bị này sẽ khuếch đại điện áp để tác động vào thiết bị đo lường làm thay đổi chỉ số trên màn hình.

2. Bấm cò vòi bơm xăng

Theo một nhân viên từng làm ở cây xăng, bấm cò cũng là một cách để bớt xén lượng xăng bơm vào xe khách hàng. Đã thành lệ, khách hàng mỗi khi đi đổ xăng đều mua theo số tiền chẵn như 20.000, 30.000 hoặc 40.000 đồng… Lợi dụng tâm lý này, các cây xăng sẽ ăn bớt xăng mà khách hàng không biết.

Ví dụ, nếu khách hàng đổ 50.000 đồng, người bán chỉ cần bấm cò vòi bơm 2 lần thì đồng hồ trên màn hình sẽ nhảy lên số tiền 50.000 đồng trong khi lượng nhiên liệu bơm ra chỉ tương đương 30.000 đồng (?)

Tuy nhiên, cách bấm cò cụ thể như thế nào thì vẫn còn “khó hiểu”…

3. Đổ chồng tiền

Giờ cao điểm là cơ hội thuận lợi để các nhân viên bán xăng đổ chồng. Đây là cách thức gian lận khá đơn giản, người dùng chỉ cần chú ý là sẽ phát hiện ra.

Cụ thể, người bán sẽ đổ xăng cho người này rồi tiếp tục đổ cho người tiếp theo mà không ấn đồng hồ về số 0, coi như người sau mất không số xăng người trước đã đổ.

4. Bơm hơi vào bình xăng của khách

Khi khách hàng đổ xăng với số tiền 30.000 đồng, màn hình mới hiển thị 25.000 thì nhân viên cây xăng đã bí mật ngắt vòi bơm và nhẹ nhàng dốc vòi cho xăng chảy ngược vào trong máy. Sau đó, nhân viên bán xăng tiếp tục bấm vòi để tống hơi vào trong bình xăng của khách. Đồng hồ vẫn chạy.

Như vậy, không có thêm giọt xăng nào chảy vào trong bình mà số tiền trên bảng đồng hồ vẫn hiển thị là 30.000 đồng.

Ngoài ra, một số nhân viên cây xăng còn dùng “ảo thuật”: Khi người mua sơ hở, họ rút nhanh vòi bơm ra và bấm đồng hồ về số 0. Để thực hiện được cách thức này phải có sự phối hợp nhanh ý giữa hai nhân viên đứng cùng một trụ bơm hay hai trụ cạnh nhau.

Nói về các chiêu trò ăn cắp xăng, ai ai cũng ngao ngán “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Bởi không chỉ thời bao cấp, mà thời nay, xăng dầu đối với cuộc sống thường nhật cũng quan trọng như dòng máu đối với cơ thể. Biết là “bực” mà không thể không mua.

Vậy vì sao các chủ cây xăng phải ăn cắp? Vì lòng tham không đáy, hay còn những “nỗi niềm” khó nói, chưa nói !?


Lượt xem:
mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter