Doanh nghiệp không "mặn mà" với thiết bị giám sát hành trình

VOVGT - Trong hơn 2 năm qua, theo quy định của Bộ Giao thông vận tải trên cả nước có hàng chục ngàn phương tiện đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen).

Quy định này đã mang lại một số kết quả ban đầu như số lượng phương tiện vi phạm lỗi chạy quá tốc độ giảm 40%, một số Doanh nghiệp đã vận tải đã đạt được hiệu quả trong công tác quản lý...Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp và lái xe lại chưa chú trọng đến việc lắp đặt và sử dụng thiết bị Giám sát hành trình, nhiều đơn vị thực hiện chỉ mang tính chất đối phó gây lãng phí trong đầu tư và gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Từ tháng 3/2014, đã có hơn 80 nghìn xe ô tô chở khách chạy tuyến cố định, xe chở khách theo hợp đồng, xe du lịch, xe buýt, xe chở container đã được gắn hộp đen. Việc lắp đặt hộp đen đã mang lại nhiều lợi ích trong công tác quản lý phương tiện và lái xe của doanh nghiệp. Thông qua hệ thống này, chủ doanh nghiệp có thể kiểm soát, chấn chỉnh những lái xe chạy xe không đúng tuyến, dừng đỗ bắt trả khách dọc đường, hay chạy quá tốc độ...

Chia sẻ quan điểm về những lợi ích của thiết bị này mang lại, anh Xuân Bắc, hiện đang công tác tại một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội bày tỏ: Khi chúng ta lắp đặt thiết bị Giám sát hành trình chúng ta có thể quản lý phương tiện hàng ngày, hàng giờ hàng phút. Điều này đem lại cho Doanh nghiệp vận tải nhiều lợi ích: Thứ nhất quản lý được lộ trình phương tiện chạy. Thứ 2 đối với các loại hình, chúng ta kiển soát được lái xe. Thứ ba nữa là trên đó chúng ta có thể có những cảnh báo chạy trên đường có thể là về vận tốc giúp cho cơ quan quản lý, đơn vị vận tải quản lý liên tục đối với người lái xe.

Mặc dù số lượng phương tiện gắn hộp đen nhiều tuy nhiên số lượng phương tiện truyền dữ liệu về Trung tâm để xử lý lại ít. Theo thống kê của Trung tâm Xử lý, khai thác, sử dụng thiết bị hộp đen (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải) hiện chỉ có khoảng 70% tổng số xe lắp hộp đen trên truyền dữ liệu về Trung tâm hàng ngày và dữ liệu vi phạm tốc độ của các phương tiện gửi về ngày càng giảm. Đến hết tháng 1/2015, mới có 10 địa phương có tỷ lệ truyền dữ liệu về trung tâm đạt hơn 80% và chỉ có 6 địa phương có tỷ lệ đạt trên 60%.

Ngoài ra, đến nay tất cả các Sở Giao thông vận tải đều  đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải chấn chỉnh, xử lý vi phạm qua hộp đen, nhưng đến hết tháng 1/2015, mới chỉ có 46 địa phương xử lý vi phạm, với tổng số phương tiện bị xử lý hơn 1.300 xe.

Nguyên nhân của tình trạng  số lượng phương tiện thực hiện việc truyền dữ liệu về Trung tâm để phục vụ cho công tác xử lý, chấn chỉnh vi phạm của các Doanh nghiệp vận tải thấp một phần là do mô hình kinh doanh vận tải tại Việt Nam không có nhiều Doanh nghiệp hoạt động theo phương thức chuyên nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân, hộ cá thể vẫn còn hoạt động theo tính chất tự phát. Bên cạnh đó,  do gánh nặng về nhiều loại chi phí, một bộ phận Doanh nghiệp lại chỉ lắp đặt mang tính đối phó.

Anh Hoài Ca một lái xe sống tại quận Đống Đa cho biết: Trong công việc kinh doanh bây giờ, các Doanh nghiệp vận tải có quá nhiều thuế, phí cần phải lo, đâm ra thêm một thứ nữa thì càng khiến cho vất vả cho người ta và thêm chi phí cho người ta. Tôi nghĩ rằng là, với Doanh nghiệp nhỏ có 1 vài xe không thành vấn đề nhưng nếu như Doanh nghiệp có vài chục xe hay vài trăm xe chẳng hạn thì nó sẽ trở thành câu chuyện lớn. Từ lệ phí đường bộ cho đến tất cả trạm thu phí của mỗi một chuyến xe sẽ bị đẩy chi phí lên rất là nhiều. Chi phí và các loại lệ phí khiến Doanh nghiệp ngần ngại và khiến người ta chọn cái biện pháp đối phó.

Trong khi đó, một số Doanh nghiệp chưa đủ nhân lực, năng lực kỹ thuật để thực hiện công tác quản lý, theo dõi hoạt động của hệ thống thiết bị giám sát hành trình. Nhiều doanh nghiệp phải bỏ ra từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để đầu tư thiết bị này nhưng lại chưa hiểu được những lợi ích, giá trị xã hội của thiết bị này mang lại nên thường lựa chọn những thiết bị có giá rẻ và việc lắp đặt chỉ mang tính hình thức, nhằm mục đích được gia hạn hoạt động kinh doanh.

Không chỉ một số doanh nghiệp vận tải không mấy “mặn mà” vơi việc thực hiện các quy định về quản lý, giám sát thiết bị hành trình mà ngay cả các lái xe- những người trực tiếp sử dụng, vận hành thiết bị này cũng chưa thực hiện nghiêm túc.

Đánh giá ý thức chấp hành của lái xe trong việc tuân thủ việc thực hiện lắp đặt hộp đen , ông Bùi Danh Liêm - Chủ tịch Hiệp hội ô tô Hà Nội cho biết: Lái xe can thiệp vào sự truyền dữ liệu về ô tô cho trung tâm. Họ cắt dây diện đấu nối giữa thiết bị Giám sát hành trình với phương tiện hoạt động. Có những đơn vị, Doanh nghiệp khi nào muốn chạy quá tốc độ họ sẽ tắt công tắc đi . Họ đấu nối vào thiết bị 1 công tắc khi cần tranh giành khách, vượt tốc độ sẽ tắt đi. Ý thức của lái xe khi tham gia giao thông chưa cao.Việc này vẫn phải tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của Doanh nghiệp trong việc quản lý Giám sát hành trình.

Lý giải cho hành động buộc phải ngắt hoặc tắt hộp đen, một số lái xe cho rằng, hoạt động vận tải là phải thường xuyên tham gia giao thông trên đường nên việc vi phạm các quy định về an toàn giao thông là điều khó tránh khỏi.

 

Không
 “ăn” dầu không phải tài xế xe tải, Tin tức trong ngày, trom xang dau,
tai xe, an dau, kiem them, tai xe xe tai, rut ruot xang dau, an cap xang
 dau, bao, tin tuc, tin hot, tin hay, vn

Một số Doanh nghiệp chưa đủ nhân lực, năng lực kỹ thuật để thực hiện công tác quản lý,

theo dõi hoạt động của hệ thống thiết bị giám sát hành trình.

Nếu vi phạm quy định về an toàn giao thông, họ sẽ phải phải đối mặt với gánh nặng về chi phí nộp phạt cho các công ty trực tiếp quản lý và cơ quan chức năng trong khi đó, nguồn thu nhập từ nghề lái xe không cao. Áp lực về thu nhập và cuộc sống mưu sinh khiến họ hoặc phải tắt hoặc ngắt hộp đen để tránh bị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm hoặc phải bỏ nghề.

Anh Nguyễn Hữu Hưng- cựu lái xe taxi của hãng Mai Linh chia sẻ: Lắp đặt thiết bị Giám sát hành trình thực tế thì nó cũng không ảnh hưởng gì vì nó ở trong xe, ở trong hầm máy nó không ảnh hưởng gì cả. Nhưng nó có cái khó khăn của chúng tôi là khi mà lắp đặt hành trình mà nhà chức trách sử dụng để bắt lỗi vi phạm thì thiệt thòi cho lái xe. Mình lại là một cái ngành chuyên đi trên đường thì biết bao nhiêu ngày làm mới đủ nộp phạt. Đối với ngành xe của tôi khi mà đã sử dụng thiết bị giám sát hành trình thì một là tôi sẽ phải ngắt bỏ hai là tôi phải giải nghệ nghề .

Những tài xế có suy nghĩ giống tài xế Hưng không phải là ít và họ có rất nhiều những mánh khóe để tránh bị xử lý vi phạm. Tuy nhiên, họ chưa nhận thức được đầy đủ là thiết bị hộp đen không chỉ có tác dụng quản lý phương tiện, tình trạng đóng/ mở máy mà còn có thể cảnh báo khi chạy quá tốc độ, giúp lái xe tự điều chỉnh để đảm bảo an toàn cho hành khách và những người tham gia giao thông khác. Trong những trường hợp xấu như bị cướp xe hay gặp tai nạn, bằng việc theo dõi hướng di chuyển của xe thông qua hộp đen, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tìm ra địa điểm chiếc xe bị gặp nạn và có phương án xử lý, hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh ý thức của Doanh nghiệp vận tải và lái xe thì chất lượng của các thiết bị giám sát hành trình và các đơn vị cung cấp cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc truyền tín hiệu về Trung tâm. Ông Bùi Danh Liêm cho biết, chất lượng thiết bị Giám sát hành trình tại Việt Nam chưa ổn định. Trên thị trường, có nhiều đơn vị cung cấp thiết bị với nhiều chất lượng và mức giá khác nhau.

Nhưng đa phần các thiết bị này được nhập khẩu từ Trung Quốc chất lượng chưa cao nên tín hiệu truyền bị lỗi. Điển hình như, trong một đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện ra lỗi của thiết bị Giám sát hành trình ở Hợp tác xã Thăng Long nhập khẩu từ Trung Quốc, khi phương tiện vận hành, thiết bị truyền dữ liệu về Trung quốc sau đó mới truyền về Việt Nam nên dữ liệu không chính xác.

Mặt khác, thiết bị này được sử dụng bằng sim điện thoại và được truyền sóng từ vệ tinh nên không tránh khỏi nhiều khu vực bị mất sóng hoặc tín hiệu bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, do được lắp đặt trên các phương tiện vận tải thường xuyên phải lưu thông trên đường nên thiết bị phải chịu sự rung lắc liên tục và nhiều yếu tố khác nên nếu như lái xe không thường xuyên kiểm tra, cũng có thể ảnh hưởng đến tín hiệu truyền đi.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, anh Xuân Bắc, hiện đang công tác tại một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội cho biết: Hàng Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều so với hàng châu Âu. Trong quá trình chạy xe xảy ra rung lắp, nếu mạch nó chuẩn không ảnh hưởng. Khi chúng ta lắp đặt Thiết bị Giám sát hành trình lên xe ô tô chúng ta chạy hàng ngày, xảy ra rung lắc, dập dình, đủ mọi yếu tố. Khi chúng ta lắp lên xong thì công tác duy tu, duy trì vào bảo dưỡng là do người sử dụng. Bởi vì thiết bị này có nhiều yếu tố gồm có phát sóng, tín hiệu từ vệ tinh, dùng dưới dạng sim điện thoại. Nếu như người sử dụng không thường xuyên kiểm tra hàng ngày thì có thể sim bị ảnh hưởng, cột sóng yếu, hoặc sim hết tiền thì đều ảnh hưởng đến truyền và gửi tín hiệu đi.

Để nâng cao ý thức của doanh nghiệp nói chung và của lái xe nói riêng trong việc thực hiện các quy định về việc lắp đặt thiết bị Giám sát hành trình, thì mỗi doanh nghiệp cần nhận thức được lợi ích của thiết bị này trong việc quản lý phương tiện, lái xe, chi phí vận tải, cũng như những ý nghĩa, tác động về mặt xã hội. Thiết bị hộp đen không chỉ giúp cho các lái xe có ý thức trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông mà còn có thể giảm thiểu những yếu tố khách quan có thể gây ra tai nạn. Do vậy, mỗi doanh nghiệp vận tải nên tự xây dựng những chương trình, kế hoạch tuyên truyền giáo dục ý thức cho lái xe, coi đó là một trong những yêu cầu để xây dựng văn hóa giao thông của các doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Anh Hoài Ca -lái xe sống tại quận Đống Đa đề xuất: Ngoài những biện pháp hành chính ra cần phải chỉ rõ cho doanh nghiệp thấy được ích lợi của việc đó là cái gì, tác động xã hội của việc đó ra làm sao. Chứ còn bây giờ mình chỉ có áp đặt quản lý hành chính để phạt thì nó không phải là một cái biện pháp tốt. Một trong những cái cần là tuyên truyền sâu rộng, làm thế nào để người ta hiểu được 1 điều là điều đó sẽ tốt cho an toàn hoặc cho xã hội nói chung thì sẽ tốt hơn

Việc lắp đặt thiết bị hộp đen đã giúp cho nhiều Doanh nghiệp vận tải thuận lợi hơn trong việc quản lý và giảm chi phí, giúp làm giảm hẳn tình trạng lái xe vi phạm chạy quá tốc độ khi tham gia giao thông- một trong những lỗi phổ biến có liên quan đến các vụ Tai nạn giao thông . Tuy nhiên, vì một số lí do khác nhau mà một bộ phận lái xe và một số doanh nghiệp nhỏ lẻ đã chưa nghiêm túc thực hiện quy định này, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.

Do vậy, song song các chế tài và biện pháp xử phạt, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, thay đổi nhận thức của lái xe, của Doanh nghiệp vận tải để họ thấy được, thiết bị hộp đen giúp lái xe tuân thủ các quy định của Luật giao thông, là cách để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.

 

Theo Chương trình Văn Hóa Giao Thông (Kênh VOV Giao thông Quốc gia)


Lượt xem:
mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter