Giám sát hành trình: Cơ hội cho doanh nghiệp vận tải

Đến 1/7/2011, thiết bị giám sát hành trình (GSHT) hay còn gọi là "hộp đen" phải được gắn trên một số loại ô tô. Thiết bị GSHT có thể mang lại cơ hội quản lý rất tốt cho doanh nghiệp vận tải

Giám sát hành trình bằng thiết bị

Điều 12, Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ghi rõ quy định:

Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải lắp đặt và duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của xe.

Thiết bị giám sát hành trình của xe phải bảo đảm tối thiểu: (a) Lưu giữ các thông tin: hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe; (b) Thông tin từ thiết bị GSHT của xe được sử dụng làm tài liệu trong quản lý hoạt động của đơn vị vận tải và cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Lộ trình gắn thiết bị GSHT: (a) Đến ngày 1/7/2011, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container phải gắn thiết bị GSHT; (b) Đến ngày 1/1/2012, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300 km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng phải gắn thiết bị GSHT; (c) Đến ngày 1/7/2012, các xe ô tô được đề cập tại khoản 1 phải gắn thiết bị GSHT.

Khảo sát, thử nghiệm thiết bị giám sát hành trình - ảnh: Đăng Kiểm Quảng Nam.Ngày 8/3/2011, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 08/2011/TT-BGTVT (hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký) về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị GSHT của xe ô tô. Thiết bị GSHT bao gồm phần cứng (bộ vi xử lý, bộ phận ghi, lưu giữ, truyền phát dữ liệu, đồng hồ đo thời gian thực, bộ phận nhận tín hiệu định vị toàn cầu GPS, bộ phận thu nhận thông tin lái xe, cổng kết nối, bộ phận thông báo trạng thái hoạt động của thiết bị) và phần mềm cung cấp dữ liệu. Các thông tin về xe và lái xe; hành trình của xe; tốc độ vận hành của xe; số lần và thời gian dừng, đỗ xe; số lần và thời gian đóng, mở cửa xe; thời gian làm việc của lái xe (thời gian lái liên tục và tổng thời gian làm việc trong một ngày của lái xe).

Ngoài các thông tin tối thiểu nói trên, tuỳ theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp vận tải mà thiết bị GSHT có thể có thêm các tính năng hỗ trợ quản lý khác. Thiết bị phải có ít nhất một cổng kết nối 9 chân RS 232, chức năng trao đổi và in dữ liệu thông qua cổng kết nối của thiết bị GSHT, kết nối máy in di động cầm tay để in các loại dữ liệu cần in theo chuẩn thông qua cổng RS 232… Dung lượng bộ nhớ đủ lưu dữ liệu tối thiểu trong 30 ngày, đồng bộ thời gian GPS, phần mềm phân tích dữ liệu, đảm bảo an toàn cho dữ liệu và nhiều quy chuẩn liên quan.

Đến cuối tuần qua, Bộ GTVT đã cấp giấy chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn QCVN 31/2001/BGTVT cho 4 loại thiết bị GSHT (Hộp đen) của xe ô tô. Trong đó có 2 thiết bị của 2 doanh nghiệp tại Hà Nội, gồm BA1 - Blackbox của Công ty TNHH Phát triển Công nghệ điện tử Bình Anh; H1 - 2011 của Công ty Cổ phần VCOMSAT. Và 2 thiết bị của doanh nghiệp ở TP.HCM: XblackBox - A/XBA - A của Công ty TNHH TM điện tử Vinh Hiển (VECOM); TGPS - 1 của Công ty TNHH Viễn Thông TÍT. Duy nhất 1 thiết bị H1-2011 của Công ty Cổ phần VCOMSAT được cấp giấy chứng nhận bởi Trung tâm Đo lường Chất lượng thuộc Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Quốc phòng. 3 loại thiết bị còn lại đều được cấp giấy chứng nhận của Viện Đo lường Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Tình hình thực hiện Nghị định 91/2009/NĐ-CP không có gì thay đổi, từ ngày 1/7/2011, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cự ly từ 500 km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container phải gắn thiết bị GSHT. Chỉ có điều, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS) sẽ bị xử phạt từ ngày 1/7/2013.

Đối phó hay tận dụng cơ hội?

Theo các nhà cung cấp và ứng dụng sớm giải pháp giám sát phương tiện vận tải, trang bị thiết bị GSHT hợp quy cho mỗi xe có thể tiêu tốn của doanh nghiệp 5 – 6 triệu đồng. Tuy nhiên, điều đáng suy nghĩ là những thiết bị hợp quy đó tuy đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước của Chính phủ về giao thông vận tải nhưng có thể chưa giúp doanh nghiệp vận tải tận dụng tốt số tiền đầu tư cho thiết bị bắt buộc này.

DF521Trước khi Nghị định 91 được ban hành, từ giữa năm 2008, Sở KHCN TP.HCM đã triển khai dự án “Thiết kế và sản xuất, ứng dụng hệ thống thiết bị định vị để quản lý đội phương tiện cho các công ty vận tải đường bộ”. Sở đã phối hợp với Công ty Viễn Tân (Nextcom Việt Nam – một công ty ở TP.HCM) để sản xuất thí điểm sản phẩm này. Đại diện Công ty Nextcom cho biết thiết bị hộp đen do Công ty sản xuất lắp trên xe kết nối với trung tâm điều hành xe của doanh nghiệp vận tải qua hệ thống mạng viễn thông GSM (chi phí khai thác giải pháp khoảng dưới 80.000 đồng/xe/tháng) báo cáo theo thời gian thực các thông số quản lý.

Ngoài các thông tin mà thiết bị GSHT bắt buộc phải thu thập, xử lý, lưu và xuất khi có nhu cầu theo Nghị định 91, thiết bị của Viễn Tân còn có khả năng cấp thêm các thông số quản lý khác tuỳ nhu cầu. Ví dụ, thông số về mức nhiên liệu, tình trạng chất tải hàng hoá hay nhiệt độ của kho lạnh trên các xe đông lạnh… Đó thực sự là các thông số mà bất kỳ nhà quản lý nào cũng cần nắm vững để đảm bảo công việc kinh doanh tốt nhất.

Nhiều doanh nghiệp đã hợp tác cùng Viễn Tân tìm ra giải pháp quản lý đội vận tải phù hợp với doanh nghiệp mình như Công ty Công Thành, Công ty Giao nhận Kho vận Hải Dương, Công ty Vận tải và Thương mại Vitranimex, Công ty Quang Hưng, Công ty Vận tải Đa Phương Thức 2, Công ty Vận tải Chấn Phát, Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk…

Ở Công ty Sữa Việt Nam, giải pháp giúp kiểm soát giao hàng, định vị vệ tinh toàn cầu GPS độ chính xác cao, hộp đen lưu trữ dữ liệu hành trình 4.000 km; kiểm soát các thông số xe (nhiên liệu, vận tốc, tắt mở động cơ, độ lạnh kho hàng của các xe lạnh (-30 độ C)…). Việc kiểm soát nhiên liệu chính xác đến 3% (lượng nạp/thất thoát nhỏ hơn 3%; vị trí thất thoát/nạp; thời gian thất thoát/nạp; so sánh định mức tiêu thụ ở Công ty). Việc kiểm soát kho lạnh đạt sai số 1 độ C…

Đại diện Viễn Tân cho biết, qua quá trình vận hành và phân tích lợi nhuận của chính doanh nghiệp, hệ thống giám sát phương tiện vận tải của Viễn Tân đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 15% chi phí nhiên liệu so với định mức (chi nhiên liệu chiếm đến 45% chi phí vận tải, theo các chuyên gia); tiết kiệm quãng đường xe chạy, tiết kiệm 3,8% chi phí qua trạm, bãi; tiết kiệm nhân lực giám sát phương tiện… Theo Viễn Tân, sản phẩm GSHT của Công ty đang thêm cổng R 232 để phù hợp quy chuẩn của Bộ GTVT.

“Thực hiện Nghị định 91, doanh nghiệp vận tải nên sử dụng thêm các tính năng hỗ trợ quản lý khác mà thiết bị GSHT có thể mang lại nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh vận tải, ngoài tuân thủ an toàn giao thông đường bộ còn mang lại hiệu quả kinh tế thực sự cho doanh nghiệp mình”, đại diện Viễn Tân khuyến nghị.

Theo PCWorld.com.vn


Lượt xem:
mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter